<bgsound src="/2011 Nhac Truyen Ngan.mp3"/> Le Dinh














Tác giả


























































































Chuyến xe Lam chót đáng lẽ phải về ngang qua đây từ lâu. Trễ nhất cũng chỉ vào khoảng ba giờ, ba giờ hơn một chút là cùng. Vậy mà giờ này vẫn không thấy tăm hơi đâu. Bây giờ đã là năm giờ chiều. Trời lại đang lất phất mưa. Những người trong quán hủ tíu bắt đầu bàn tán, lo ngại không biết đã xảy ra chuyện gì. Ðã có người ra giữa con lộ nhìn ngược về hướng thị xã. Lão Bảy Xị bề ngoài làm ra vẻ bình thản, nhưng thực ra trong bụng lão lo hơn ai hết. Chuyến xe gặp nạn hay bị phục kích, trúng mìn... Mà cho dù không có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, thì thằng Lạc làm sao có thể chạy vào tới bến trong đổ khách giờ này được. Không lẽ tới đây đuổi khách xuống, mặc cho họ tự xoay trở. Bởi ai cũng biết giờ này bọn kia bắt đầu bò ra, tất nhiên, chúng đâu có để cho thằng Lạc được yên. Và, nếu may bọn chúng không bắt người, chắc chắn bọn chúng không bỏ qua chuyện thâu thuế. Ðầu óc lão Bảy Xị quay cuồng với cả chục câu hỏi, nhưng lão không tìm ra được câu trả lời. Ðối với lão, bất cứ câu trả lời nào cũng làm lão khổ tâm, lo sợ. Vẫn biết ở vùng xôi đậu này, chuyện gì cũng có thể xảy ra cho mọi người, trừ trường hợp có liên hệ bà con, hay che dấu cho bọn chúng, hoặc chịu thường xuyên nộp thuế, may ra mới được yên thân. Người dân vùng xôi đậu cực khổ trăm bề, nhưng vẫn không dám bỏ ruộng vườn, mồ mả ông bà cha mẹ, mà đi, đành nhịn nhục, giả ngơ giả điếc cho qua ngày.

Chiếc kim đồng hồ treo tường của quán hủ tíu mọi ngày chờ dài cổ vẫn như đứng yên, vẫn như không hề nhúc nhích. Hết cữ cà phê sáng, rồi gần tàn mấy xị đế, vẫn chưa đến giờ cơm trưa, vậy mà hôm nay chỉ mới quên để mắt tới, nó đã chạy đi tận đẩu tận đâu, chạy như ngựa vía. Ðến gần sáu giờ chiều thì lão Bảy Xị hết còn kiên nhẫn nổi. Lão lầm bầm luôn miệng, rồi không ngớt lời rủa xả thằng Lạc. Lão càng lầu bầu rủa xả thằng Lạc, thì lời lẽ càng cục cằn, tục tĩu. Nào là thằng chết bầm, thằng trôi sông lạc chợ. Nào là thằng chết đường, chết bờ chết bụi. Nào là thằng chó đẻ... có rúc vào váy con đĩ chó nào thì cũng phải nhớ đường mà về, chứ ai lại mất tăm, mất hơi như thế bao giờ. Rủa xả chán, lão cũng rời quán ra đứng giữa lộ nhìn ngược, nhìn xuôi, mặc mưa gió mỗi lúc một mạnh, một lớn.

Mấy ông già quen mặt của quán thấy lão Bảy uống suốt từ chiều tới giờ, giờ lại ra mưa, vội hét bọn trẻ lôi lão vào:

- Cha Bảy bữa nay mắc chứng gì mà lo quýnh lên vậy, thằng cháu nó lớn rồi, chứ con nít con nôi gì mà lo quá không biết. Chắc xe bị trục trặc sửa chưa xong đấy thôi. Làm gì có mìn, có phục kích ngoài thị xã mà sợ. Lôi lão vào, không thôi thằng cháu không sao, lão trúng phong hàn theo ông bà bây giờ.

Tụi nhỏ nghe nói, vội quơ đại tờ báo hoặc mấy cái mẹt đựng tỏi ớt của quán hủ tíu, che lên đầu, chạy ra, kẻ kéo tay, người đẩy lưng lão Bảy:

- Dô đi chú Bảy, trúng phong, cảm hàn bây giờ. Thằng Lạc tinh khôn như chồn, như cáo, ai bắt nạt được nó mà chú lo.

Lão Bảy vẫn nấn ná, mắt rõi trông về hướng thị xã:

- Tao vẫn lo lo tụi bay ơi.

- Lo thì chú làm được cái gì. Ðường ra thị xã có bao giờ xảy ra chuyện gì đâu. Ông cố nội tụi nó sống dậy biểu tụi trỏng ra thị xã, tụi nó cũng không dám.

Lão Bảy:

- Thì tai nạn cũng là chuyện vậy. Tụi bay.

- Gì thì gì cũng ráng chờ xem sao. Mà tụi con tin là không có chuyện gì đâu. Nó trễ không chừng mải thu xếp đưa vợ con về chào cha chồng, chào ông nội đó.

Lão Bảy quát tụi nhỏ:

- Bay chỉ bá láp, tầm xàm không hà. Không có phép của tao, tía nó cũng không dám tự kiếm vợ, chứ nói gì nó. Cãi lời tao, tao bẻ họng.

Nghe lão Bảy nói, bọn nhỏ đứa rụt đầu, đứa lè lưỡi:

- Hèn gì... Tía khó quá trời nên hơn ba chục rồi thằng Lạc vẫn còn độc cu, vẫn còn ngủ một mình.

Lão Bảy Xị nhìn tụi nhỏ lom lom, rồi “hừ” một tiếng. Vào tới trong quán, thấy quần áo ướt mèm lão Bảy thản nhiên xoay trần, vắt chiếc áo lên lưng ghế, rồi gọi chủ quán:

- A Chảy, cho mấy xị và ít mồi đi. Lẹ lên. Tụi nhỏ đang lạnh run lên rồi kìa. Bọn trẻ nghe Bảy Xị nói thế, đồng loạt reo lên:

- Cha! Chú Bảy chịu chơi à nghen.

Chủ quán:

- Ông Pảy muốn mồi gì?

Lão Bảy chưa kịp trả lời, bọn nhỏ đã hét:

- Bốc mộ. Bốc mộ được rồi. Còn nhiều không?

- Còn mà. Lã pán ai lâu.

Mấy đứa láu táu:

- Bốc hết.

- Rượu nhiều. Không cần mồi gì khác. Bốc mộ là số dzách rồi.

Dứt lời, đám nhỏ chia nhau đứa chạy kiếm vỏ chai xá xị, đứa hứng nước lạnh tráng qua loa mấy cái chén thay ly rượu, đứa lấy tô đổ nước mắm, nặn chanh, bằm ớt, một hai đứa hè nhau đến bên can rượu thọc ống hút vào hút rượu ra chai. A Chảy, người chủ quán, thấy đám thanh niên hăng hái làm mọi việc thay cho mình, lắc đầu cười, quay sang tìm chiếc thau nhôm vớt xương từ trong nồi nước hủ tíu ra. Nồi xương còn bốc khói, đối với dân nhậu là thứ mồi hết xảy. Vì chỉ cần một mẩu xương còn dính chút thịt, chút gân và thêm một ít nước lèo là có thể đi hết mấy xị, nói chi nguyên cả một nồi.

Mấy ông già ngồi ở bàn bên thấy Bảy Xị và bọn nhỏ chuẩn bị nhậu vẻ xôm tụ, cũng đem ly, mang xị của mình tới nhập cuộc. Một ông già nhà kề bên quán, chạy về mang qua một mớ ổi, mớ chùm ruộc góp mồi. Thấy đông người mà quán cũng không còn khách, Bảy Xị kéo hai ba chiếc bàn sát vào nhau, rồi bảo:

- Bay kiếm cái thau, cái chậu nhựa nào lớn lớn một chút, đổ bà nó hết rượu ra cho rồi, đựng xị làm chi mất công.

Một ông già:

- Thì cũng phải cho vào xị mới tính tiền với thằng Chảy được chứ. Uống đại mất vốn mất lời của nó chết.

A Chảy tỏ ra hào phóng:

- Lược mà, pà con không mà. Có lỗ chút lỉnh, lâu có sao. Can rượu mới mà lo gì. Nhậu li, lám xương ngộ cho lấy. Chỉ tính tiền lế thôi. Mà lế Pà Liểm thứ thiệt không pha ló nghe.

Bọn nhỏ nghe chủ quán nói vậy, đồng loạt reo lên tán thưởng. Lão Bảy Xị gật gù vẻ đắc ý:

- Hà, cám ơn ông chủ. Nhưng mà rượu ghi sổ đó nghe.

A Chảy cười tươi:

- Lược mà, quen quá mà...

A Chảy vừa nói, vừa quơ nắm ớt xanh, một ít thịt xá xíu bạc nhạc ghé ngồi kế bên Bảy Xị:

- Hầy à... Chồi mưa, quán hết khách, ngộ cũng nhậu luôn.

Là chủ xị, lão Bảy thản nhiên lấy một cái chén thọc vào chậu rượu, múc đầy, trước khi ực một hơi, lão nâng cao chén rượu hướng về phía mấy ông già huơ huơ thay cho lời mời.

Chầu nhậu đang hăng, chợt phía ngoài cửa quán có tiếng xe lam ngừng, mọi người trong quán nhìn ra, trừ lão Bảy Xị. Lão làm như ngoài bàn nhậu, không còn chuyện gì khác. Lão làm mặt giận. Vì không cần nhìn theo mọi người, mà chỉ cần nghe tiếng máy nổ quen thuộc, lão đã biết là xe của thằng Lạc. Nếu có người tinh ý, hẳn đã thấy lão Bảy vừa khẽ liếc nhìn lên chiếc đồng hồ treo nơi bức vách giữa quán. Và, tuy vờ cắm cúi gắp miếng xá xíu, nhưng với đôi tai còn rất thính, lão Bảy không bỏ sót một lời nói, một tiếng động nào xảy ra chung quanh. Chợt, lão giật thót người khi nghe thấy tiếng gọi:

- Tía.

Tiếng gọi thảng thốt, nghẹn ngào, nhưng không phải tiếng thằng Lạc. Chắc chắn không phải tiếng thằng Lạc. Vì không bao giờ thằng Lạc gọi lão Bảy Xị bằng Tía, mà là bác Bảy. Bởi, với thằng Lạc cũng như bà con chòm xóm, Bảy Xị là bác thằng Lạc. Thằng Lạc bị cha mẹ bỏ từ khi nó còn đỏ hỏn, lão Bảy là bác tội nghiệp mang về nuôi.

Người lên tiếng gọi dù không thấy Bảy Xị ngước nhìn lên, nhưng biết chắc lão nghe thấy tiếng mình. Ngần ngừ một chút, người đó vừa gọi lão Bảy lần nữa, vừa đưa tay lay vai lão:

- Tía. Tía.

Ðến nước này thì Bảy Xị không thể lặng thinh được nữa. Lão khẽ quay mặt, nhìn lên:

- Chú kêu tui hả. Xin lỗi, chú là ai?

Người khách lạ, kêu Bảy Xị bằng Tía khoảng trên dưới bốn mươi tuổi, dáng dong dỏng cao, nét mặt khắc khổ, đang nhìn Bảy Xị chằm bẳm.

Bảy Xị hỏi lại lần nữa:

- Chú hỏi ai?... Chắc chú lầm người.

Người lạ:

- Tía. Sao Tía kỳ vậy. Con có tội gì. Mẹ con có lỗi gì với Tía?... Anh em con có tội gì mà Tía bỏ đi gần hai chục năm như vậy!

Bảy Xị tuy vẫn chưa chịu thừa nhận, nhưng giọng nói đã yếu xìu. Ðã như có nước mắt:

- Tui đã nói chú lầm. Lầm thiệt mà.

Thằng Lạc không đợi người lạ lên tiếng tiếp, nó bỗng òa khóc. Khóc lớn. Nó khóc tức tưởi như trong đời nó chưa được khóc bao giờ. Trước tình cảnh ấy, lão Bảy Xị vẫn giữ thái độ lặng thinh, và không ngừng múc rượu ngửa cổ uống liên tục.

Mấy người quanh bàn nhậu lúc đầu hơi ngỡ ngàng, hết nhìn người lạ, nhìn thằng Lạc, lại quay nhìn Bảy Xị. Tuy chưa rõ đầu đuôi ngọn ngành câu chuyện, nhưng họ đã lờ mờ đoán rằng chắc lão Bảy và người khách lạ và thằng Lạc phải có chuyện gì đó. Và rồi mấy người lớn tuổi không ai bảo ai đều lặng lẽ đứng dậy bỏ đi. A Chảy cũng đứng lên theo. Bàn nhậu chỉ còn Bảy Xị và bọn trẻ, bọn chúng như còn tiếc bữa nhậu nửa chừng. Nhưng khi thấy thái độ câm nín của Bảy Xị, thấy thằng Lạc khóc và người lạ vẫn đứng bất động nhìn lão Bảy, bọn trẻ cũng thấy không ổn, nên ra dấu cho nhau bỏ đi nốt. Người lạ mặt lúc đó mới từ tốn cúi xuống dìu lão Bảy Xị đứng lên:

- Về nhà đi Tía. Ở đây không tiện.

Theo đà tay của người lạ, Bảy Xị loạng choạng đứng lên nhưng không cưỡng lại, mặc cho người lạ dìu đi. Thằng Lạc lật đật lấy chiếc áo của Bảy Xị khoác lên vai lão. Ði được mấy bước, người lạ như chợt nhớ ra, vội quay nghiêng lại, một tay vẫn khoác vai Bảy Xị để lão tựa vào mình, một tay móc túi, nói với A Chảy:

- Quên, chú cho tui gửi tiền. Hết bao nhiêu vậy?

A Chảy khoát tay:

- Thôi... khỏi... khỏi... ngộ mời mà.

Người lạ và thằng Lạc cùng nói:

- Cám ơn chú nhe.

A Chảy cười cười, theo tiễn ba người. Tới cửa, A Chảy đứng lại trông theo. Bên ngoài đã hết mưa. Người chủ quán nhìn thấy mấy ông già còn đứng phía bên ngoài chụm đầu xầm xì.

Người lạ và thằng Lạc dìu lão Bảy ra xe, về tới nhà, đến bên giường, chưa kịp đặt lão nằm xuống, lão đã ngáy ồ ồ.

Biết lão đã quá say, người lạ nói với thằng Lạc:

- Thôi .... thay cho Tía bộ quần áo khác, không thôi bị ngấm lạnh, ổng bịnh mất. Rồi để ổng ngủ. Chuyện gì mơi hãy hay. Mà... mày... cũng phải đi ngủ đi, khuya lắc khuya lơ rồi, mai còn chạy xe.

Thằng Lạc:

- Chạy gì nổi nữa mà chạy. Nghỉ ít bữa.

Ngủ không biết bao lâu, lão Bảy Xị chợt thức giấc, thấy miệng đắng nghét, khô rang, theo thói quen lão nghiêng người quơ tay tìm chai nước lạnh, lão thường để trên mặt đất gần chân giường, tu một hơi dài. Nước lạnh làm lão tỉnh dần. Lão nằm im. Chung quanh không một tiếng động... lão nhớ lại mọi chuyện xảy ra hồi hôm ngoài quán hủ tíu.Và, tất cả những ngày đã qua. Gần hai mươi năm trời mà sao lẹ quá vậy, mà sao như mới ngày hôm qua, như mới hồi tuần rồi...







Ba Hớn, Phan Quân Hớn, tên trong giấy tờ của lão Bảy Xị, lẫm lũi bước trên con đường đầy bụi đỏ, tay ôm chặt đứa nhỏ đang ngủ mệt, trên vai, chiếc ba lô nhà binh cũ mỗi lúc như một nặng thêm. Tuy đã mệt, nhưng Ba Hớn không dám nghỉ mà cố rảo bước về hướng mấy căn nhà phía xa. Thoạt mới nhìn tưởng đâu dãy nhà trệt đó rất gần. Vậy mà cũng mất gần bốn mươi phút sau, Ba Hớn mới đặt chân lên được mấy bậc thềm căn nhà đầu tiên. Rất may đó là quán hủ tíu. Ba Hớn vào quán. Vợ chồng ông già người Tàu cùng lên tiếng:

- Ông khách dùng chi?

Ba Hớn vội nói:

- Bán cho một ly sữa nóng. Cháu nó đang đói, đói đến lả đi rồi.

Bà chủ quán bước nhanh đến bên Ba Hớn, nhìn đứa nhỏ, nói:

- Chồi néng quá mà sao chú quấn lên người ló nhiều thứ thế?... Pỏ pớt cho thằng nhỏ lược thoáng mát.

Ba Hớn luống cuống:

- Ờ... ờ... nóng.

Nói vậy, nhưng Ba Hớn vẫn không rời thằng nhỏ. Bà chủ quán nhìn người khách lắc đầu, bước lại góc nhà, nơi máng chiếc võng, gọi:

- Dạy li. Dạy li... A Chảy.

Thấy kêu hai, ba lần thằng Chảy vẫn ngủ say, bà ta vừa cằn nhằn, vừa lôi tay nó:

- Ây chà, dạy li mà. Cho thằng nhỏ ló nhờ.

Khi thấy thằng con đã rời khỏi võng, bà ta chạy đến bên Ba Hớn:

- Lưa lây. Chà! mẹ ló lâu... Ây... làn ông không biết gì hết á. Ló néng quá mà.

Miệng nói, tay bà đỡ lấy thằng nhỏ chạy đặt vào võng. Thằng nhỏ đang thiếp ngủ, thấy động, khóc thét lên. Mặc... bà chủ quán miệng không ngớt cằn nhằn, tay cởi bớt tã lót và chiếc áo dày khỏi người nó. Trong khi bà ta lo cho đứa nhỏ, Ba Hớn ngồi bất động trên ghế. Cũng không nhìn thấy ly sữa ông chủ quán vừa đặt xuống trước mặt. Ba Hớn cũng đói lả và mệt. Từ mờ sáng đến giờ, Ba Hớn chưa có hột nào vô bụng. Nước cũng không. Ðã vậy chuyến xe mắc dịch hư hoài. Dưới trời nắng chang chang, nó chạy như rùa bò. Gần đến chỗ nghỉ nó nằm luôn, không còn cục cựa, nhúc nhích gì được nữa. Sợ thằng nhỏ không chịu nổi cơn nóng như thiêu như đốt, Ba Hớn không dám đợi thày trò lão tài loay hoay sửa xe, đành ôm thằng nhỏ lết bộ, với ý nghĩ mình cứ đi, nếu như xe sửa xong, chạy qua, lại lên đi tiếp.

Bà chủ quán tốt bụng sau khi bỏ bớt tã lót cho đứa nhỏ, đến bên Ba Hớn, đưa tay:

- Pình sữa lâu. Tui giúp cho ló pú, cho chú nghỉ một chút.

Ba Hớn ngơ ngác:

- Bình sữa gì?

- Chồi lất, pình sữa của thằng nhỏ ló.

Ba Hớn lắp bắp:

- Không có. Làm gì có.... làm gì có... bình sữa nào?

Bà chủ:

- Ây dà, chú làm sao ... dzồi. Pình sữa ló vẫn pú ló.

Ðến khi ấy Ba Hớn mới hiểu ra:

- Tôi vẫn đổ sữa cho nó bằng ly đó. Làm gì có bình... không có bình.

Bà chủ quán trợn mắt:

- Chú lói sao. Không có pình sữa. Chú vẫn cho ló uống pằng ly. Chồi lất ôi, nó còn nhỏ xíu mà, làm sao có thể uống lược.

Ba Hớn:

- Thì từ hôm có nó, tui vẫn đổ sữa cho nó uống vậy mà. Nếu thím không quen, dùng muỗng cho nó uống, tui nghĩ cũng được.

Sau khi trả lời bà chủ quán, và thấy vẻ mặt của bà ta nhăn nhúm tức cười, Ba Hớn vội giải thích:

- Nó không phải con tui, con đứa em bà con đó. Bố nó bỏ đi mất tiêu. Một hôm đi câu về, tui thấy mẹ nó gục chết trước cửa nhà tui, chắc trúng gió. Tội nghiệp, mẹ nó chết rồi còn ôm nó trong lòng.Thằng nhỏ khóc lả đi, tui mới bồng nó về.

Bà chủ quán nghe người khách kể, gật gù vẻ hiểu biết:

- Hèn gì. Chú không quen việc nuôi trẻ.... Thế, chú mang ló li lâu vậy. Sao không lể vợ chú ló luôi.

Ba Hớn lúng túng:

- Tui chưa có vợ... À ... à... đúng ra là vợ tui cũng ... chết rồi, thím à. Tui có đứa em gái ruột lấy chồng người vùng này, lấy nhau lâu mà không có con, tui tính mang thằng nhỏ cho tụi nó ấy mà.

Nghe người khách nói, vợ chồng chủ quán không một chút nghi ngờ. Ðời nào lại có người bịa chuyện vợ con chết như thế bao giờ, nên nhìn người khách hết sức ái ngại:

- Tội không. Thôi, chú nghỉ li lể có sức mà li tiếp. Chú ăn chút gì li kẻo lói. Mà, có muốn ăn cơm không?

Ba Hớn vội nói:

- Nấu cho tui tô mì hay hủ tíu cũng được.

Ba Hớn ăn một hơi hai tô mì. Và, cố tình ăn thật chậm... nhưng chậm mấy thì hai tô mì cũng... phải hết. Sở dĩ Ba Hớn cố tình câu giờ trong lúc ăn uống, bởi thực tình sau khi ở đây ra, hắn không biết đi đâu, về đâu nơi xứ lạ đất người này. Ở đây, hắn không có một người bà con thân thích nào, thậm chí người quen cũng không. Sau khi bụng đã no, đầu óc đã tỉnh táo, bình tâm nghĩ lại, hắn mới thấy mình dại, không cân nhắc cẩn thận trước khi ôm thằng nhỏ ra đi. Hắn có quyết định bồng bột chỉ vì một chút tự ái không đâu. Phải chi hắn nghe lời khuyên, dò tìm cẩn thận, trước khi quyết định ra đi thì đâu đến nỗi. Bây giờ sự thể thế này, hắn phải xoay trở ra sao đây. Không lẽ cứ ngồi lỳ mãi trong quán này. Không lẽ lại ôm thằng nhỏ trở về. Nếu mà phải trở về, hắn còn mặt mũi nào nhìn ai nữa. Mọi người sẽ cười vào mũi hắn về tội hồ đồ. Càng nghĩ, Ba Hớn càng bồn chồn lúng túng. May mà thằng nhỏ sau một ngày đường đói sữa, ngủ gà ngủ gật trên tay, giờ được no, được nằm trên võng êm, đã ngủ ngon lành, nên Ba Hớn cũng đỡ bối rối phần nào. Tự dưng hắn cầu mong sao thằng nhỏ ngủ càng nhiều càng tốt, ngủ tám chín tiếng, hay hơn nữa càng hay, để hắn có cớ ở lại quán hủ tíu, để hắn có thì giờ suy tính tìm cách thoát khỏi hoàn cảnh đang bị kẹt cứng này.

Ðể giết thời giờ, Ba Hớn kêu một ly cà phê, rồi chậm rãi móc gói thuốc rê Gò Vấp ra cuốn một điếu tổ chảng, châm lửa đốt, thở khói mù mịt. Hết ly cà phê này đến ly nữa, ly nữa. Hắn đã uống đến ly cà phê đen thứ ba. Vợ chồng người chủ quán thấy hắn im lìm, cũng để kệ. Với họ, họ chỉ nghĩ đơn giản là người khách quá mệt mỏi nên lợi dụng lúc thằng nhỏ ngủ, cũng nghỉ ngơi lấy sức, thế thôi. Chợt người chủ quán thấy người khách mỉm cười, ngoắc tay gọi một chai bia lớn, thay cho mấy ly cà phê, để mồm miệng không còn bị khô đắng.Vừa uống bia, Ba Hớn vừa thầm nghĩ đúng như các cụ thường nói “cùng tắc biến, biến tắc thông”, vì Ba Hớn đã tìm đuợc lối thoát mà hắn cho là thần sầu nhất, không những không bị kẹt lúc này mà còn có thể ở lại nơi đất lạ mà không bị nghi ngờ, không bị xua đuổi. Thì cứ từng bước một đã, rồi lại tính sau. Thế là Ba Hớn ung dung đợi thằng nhỏ thức giấc.

Khoảng gần năm giờ chiều, thằng nhỏ mới cựa mình khóc ré lên. Ba Hớn chưa kịp cục cựa, thì bà chủ quán đã nhanh chân chạy đến bên thằng nhỏ, bồng nó dạy, miệng nựng:

- Hầy à! Ngủ ngon... dzồi... phải không? Lói chưa? Cho ló uống sữa lữa li. Tội quá hà.

Ba Hớn đến bên, tay cầm cái tã:

- Ðể tui thay tã cho nó đã.

Bà chủ cười:

- Piết làm không. Tã ướt nhẹp... dzồi ló.

Sau khi lo cho thằng nhỏ, Ba Hớn mua thêm một phần sữa, đổ vào chai xá xị, cẩn thận bọc chai sữa vào giữa chiếc áo dày giữ nóng rồi thanh toán tiền bạc, ngỏ lời cám ơn vợ chồng người chủ quán, bồng thằng nhỏ đi. Vợ chồng người chủ quán tốt bụng đưa tiễn Ba Hớn với lời chúc may mắn và ân cần mời Ba Hớn nếu có dịp nhớ ghé quán nhậu chơi. Khi Ba Hớn sắp rời quán, bà chủ đưa cho lão một cái bình sữa cũ, nói:

- Tui mới kiếm ra, chú giữ cho thằng nhỏ. Khi lào có dịp li qua thị xã mua thêm mấy cái cho thằng nhỏ có cái xài.

Ba Hớn không khách sáo, nhận bình sữa, ngỏ lời cám ơn.... Khoảng sụp tối, Ba Hớn ôm thằng nhỏ trở lại quán. Nhìn bộ điệu thiểu não, không cần hỏi, cũng biết người khách không tìm thấy người thân. Bà chủ đon đả:

- Chưa tìm thấy pà con phải không. Thật tội.

Ba Hớn nhăn nhó:

- Tôi tìm đến đơn vị ghi trong giấy, họ nói không có ai có tên như vậy. Năn nỉ muốn chết cũng không xong, giờ không biết tính sao.... Chỉ tội thằng nhỏ.

Nghe chuyện, vợ chồng người chủ quán lắc đầu ái ngại:

- Thì thủng thẳng kiếm chứ piết làm sao.

Vừa khi ấy, có tiếng xe lam ngừng trước cửa quán. Bà chủ quán nói nhỏ với người khách:

- Vợ chồng Năm Heo chở heo cho li nhảy lực, ổng bà rất thương người, để tui lói dùm chú một tiếng.

Nói rồi không cần biết người khách có chịu hay không, bà chủ nói ngay khi vợ chồng Năm Heo chưa kịp ngồi xuống ghế:

- Pác Năm à, chú lây li kiếm pà con, nhưng không gặp mà nhà lại ở quá xa, nếu không có chi phiền, hai pác cho chú ấy ở lỡ mấy pữa.

Ông Năm Heo gục gặc đầu:

- Kiếm bà con hả? Ở đâu, tên chi vậy?

Lại vẫn bà chủ quán:

- Pà con chú là lính. Mà chú mới li hỏi, họ trả lời không có.

Ông Năm Heo tỏ ra hiểu biết:

- Vẫn biết là lính... Mà lính gì đó. Ở ngoài này, thiếu giống gì lính. Phải biết rõ sắc lính, biết rõ tên đơn vị mới được.

Nghe hai người đối đáp, lúc đó Ba Hớn mới lên tiếng:

- Tôi có địa chỉ, nhưng đến hỏi, họ nói không có ai có tên muốn kiếm.

Ông Năm Heo:

- Có tên, có địa chỉ hả?

Ba Hớn vừa trả lời, vừa lục bóp:

- Lính truyền tin.

Bà Năm Heo:

- Ủa, vậy là lính giống thằng Thiệt đó, ông à.

Ông Năm Heo:

- Ừ. Biết vậy thì thủng thẳng tính. Khỏi lo. Thôi giờ đợi tui làm cái đen, rồi về. Chú ăn uống gì chưa? Chú tên chi vậy?

Ba Hớn ngập ngừng:

- Dạ tui thứ bảy ...tên... Bảy luôn.

- Quê quán miệt nào?

- Dạ, Hóc Môn Bà Ðiểm.

Ông Năm Heo nghe Ba Hớn trả lời, gục gặc đầu:

- Chà, đế... Bà Ðiểm... hết xảy... uống mệt nghỉ à nghe.

Bà Năm Heo cũng chen lời:

- Mèn ơi. Trai “muời tám thôn vườn trầu” à nghen.

Ba Hớn cười giã lả:

- Tui dân... ở nhờ. Bà Ðiểm là quê bên vợ. Giờ nó... chết... rồi, thành ra giờ tui là dân lang thang.

Ông chủ quán hủ tíu lúc này mới lên tiếng:

- Thì ở lây luôn li. Coi có ai ưng, lấy phứt cho rồi.

Ông Năm Heo nghe chủ quán nói, cười ha hả:

- Thằng Ba ... chệt... nó móc họng tui đó.

Dứt lời ông Năm ngửa cổ ực hết chỗ cà phê còn lại rồi đưa tay áo quệt ngang miệng, hối:

- Thôi dzìa, dzìa.... thằng nhỏ ngủ hả?

Làm như không nghe thấy chồng hối thúc, bà Năm thong thả móc túi lấy một cục thuốc xỉa chà chà khắp hàm răng, đoạn nhét cục thuốc một bên miệng, cằn nhằn:

- Thằng cha lúc nào cũng như ma đuổi.

Nói xong, mặc kệ cho ông Năm rồ máy xe ngồi đợi, bà Năm chạy lại đỡ đứa nhỏ từ tay bà chủ quán hủ tíu để Ba Hớn thu xếp tã lót nhét vô ba lô. Trước khi rời quán, Ba Hớn đã kịp mua lít đế và ít mồi. Lúc ra đến xe, ông Năm Heo thấy chai ruợu, cằn nhằn:

- Chú mua chi cho hao tốn. Nhà thiếu cha gì. Rượu, khô sặt, khô mực nhậu cả năm cũng chưa hết. Ðể tiền mà mua sữa.

Ba Hớn cảm động:

- Ðâu nhiêu, bác Năm.

- Nhiêu cũng là tiền. Ráng mà phòng thân. Khi chưa kiếm ra người quen, mình sao cũng được. Nhưng, không thể không lo cho đứa nhỏ.

Ba Hớn cà lăm:

- Dà.... dà. Gọi... gọi... chút lấy... lấy... thảo mà bác Năm.

Về tới nhà, Năm Heo để mặc vợ lo cho thằng nhỏ, lật đật trải chiếu trước hàng ba nhâm nhi với Ba Hớn. Một lát sau, bà Năm cũng ra ngồi góp chuyện. Ông Năm hỏi vợ:

- Nó ngủ say rồi hả?

- Ừa. Chưa hết bình sữa nó đã ngủ rồi. Mà thằng nhỏ thật ngộ, còn nhỏ nhít mà ngủ đã ngáy ầm ầm.

Ông Năm Heo gật gù:

- Vậy là số nó sau này không bị cực đâu... Ðời nó sẽ... sướng.

Bà Năm nguýt chồng:

- Ông làm như ngon lắm. Chỉ đoán mò là giỏi.

Năm Heo:

- Tử vi đó nghe bà. Ðặt lưng ngủ, ngáy pho pho. Ngủ no bật dậy là dân vô lo đó nghe.

Bà Năm tủm tỉm cười:

- Muốn vô lo, thì phải cưới được người vợ biết lo như.... ông mới được.

Nghe vợ nói thế, ông Năm Heo quặu:

- Hứ. Lãng xẹc. Bà không sợ chú Bảy đây cười cho sao.

Biết tính chồng, bà Năm lảng chuyện:

- Chú Bảy này, chú cứ ở lại đây với vợ chồng tui. Nhà cũng rộng rãi, đừng ngại chi hết. Thư thả kiếm người quen rồi mọi chuyện sẽ tính sau.

Ba Hớn làm ra vẻ ngần ngại:

- Ðâu được bác Năm. Như vậy coi đâu được. Ðợi sáng, tui sẽ đi kiếm nữa. Kiếm không ra phải về lại Bà Ðiểm hoặc đi đâu đó, chứ đâu có thể lạm dụng lòng tốt của.... hai bác đây được.

Cả hai vợ chồng Năm Heo tranh nhau nói:

- Chú khách sáo gì đâu không hà. Sông có khúc, người có lúc... giờ chú cơ nhỡ, mai này biết đâu vợ chồng tui lại phải nhờ chú cuu mang. Ðời mà, biết thế nào được.

- Chú ở lại, sợ ở không thì đỡ cho vợ chồng tui, hay kiếm việc gì làm cho vui chứ ngại gì.

Ba Hớn dò ý hai vợ chồng Năm Heo:

- Bộ hai bác không sợ người... lạ sao?

Ông Năm Heo thật thà:

- Người lạ nào?

Ba Hớn:

- Thì.... thì tui đây chứ ai?

Ông Năm Heo cười ha hả:

- Chú thì làm được cái gì. Bộ bọn kia hay là ăn cướp à. Ăn cướp ai mang theo con nít. Bọn trỏng hay bọn nhảy núi cũng thế.

Bà Năm:

- Tui không lầm đâu. Ai lương thiện, ai ác nhơn tui biết liền hà? Vả lại nhà cũng chẳng có gì, không lẽ cướp vào nhà cướp con heo nọc hay sao?

Thấy hai vợ chồng Năm Heo thiệt tình, Ba Hớn yên tâm, nhưng cũng giả bộ thoái thác lấy lệ, rồi mới nhận lời.

Ðược hơn một tháng, khi biết những người chòm xóm của Năm Heo không còn chú ý, không còn thắc mắc về chuyện tìm kiếm người thân của mình, Ba Hớn lựa lời nhờ vợ chồng Năm Heo mua dùm miếng đất, tính chuyện lâu dài:

- Anh chị Năm à, bây giờ Ba Hớn và vợ chồng Nam Heo đã đổi cách xưng hô là anh chị và chú... Tui có ít tiền đây, để ý mua dùm tui miếng đất, dựng nhà, rồi còn kiếm việc mần nữa chớ, ở không mãi, chịu gì nổi. Hình như đã có chủ ý, nên nghe Ba Hớn nhờ mua đất, bà vợ Năm Heo nói ngay:

- Tui đã tính rồi. Khỏi cần kiếm đâu xa. Ðất nhà tui rộng, phía hàng rào ráp ranh nhà mụ Cốt, bỏ hoang đã lâu, chú khai thác đi, chừng nào dư giả, hãy tính chuyện mua bán. Tiền, chú cứ giữ mà làm vốn. Vợ chồng tui già rồi, chẳng còn hơi sức đâu mà canh tác trồng trọt gì nữa. Phần xấp nhỏ nhà tui chúng ở tỉnh ở thành phố quen rồi, một bước lên xe, xuống xe, chẳng đứa nào chịu chui rúc về chốn quê mùa này nữa đâu. Vợ chồng tui thấy chú hay làm, không quản khó khăn, nhọc nhằn, cũng mừng, chắc là cơ duyên gì đây. Thôi bỏ bà con xa, mua láng giềng gần. Chú đừng khách sáo nữa.

Tuy nghe bà vợ Năm Heo nói vậy, nhưng do bản tính dè dặt, nhất là luôn thuộc nằm lòng câu “Ðồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, nên Ba Hớn vẫn đưa cho bà ta một cây vàng:

- Anh chị quá tốt, nhưng dù thế nào đi nữa tui cũng phải biết cư xử. Vậy xin chị cứ cất dùm cây vàng này. Coi như anh chị giữ dùm tui vậy mà. Thừa thiếu, thủng thẳng tính sau.

Thấy hai người cứ đưa qua đẩy lại, ông Năm đành phải lên tiếng:

- Thôi được, chú ấy tính vầy cũng phải, bà nó cứ nhận cho chú ấy yên tâm. Này... tui hỏi thực, chú định trồng cấy, hay mần gì với mảnh đất ấy đấy?

- Em định sau khi cất căn nhà nhỏ, lấy chỗ trú thân xong, sẽ kiếm mua vài con dê về nuôi. Nuôi dê mau có tiền. Nghề ruột của em đấy. Vả lại nuôi dê không mất vốn nhiều, thức ăn dễ kiếm, mà còn có sữa nuôi thằng Lạc nữa.

Ông Năm Heo ngạc nhiên, ngắt lời Ba Hớn:

- Ủa, cho nó uống rặt sữa dê không thôi hả? Ngộ há.

Bà Năm nguýt chồng:

- Ông thì cái gì cũng ngộ, cũng lạ.

Ba Hớn nói:

- Tại hồi nào người ta quen cho trẻ bú sữa mẹ hay sữa bò hộp rồi, chứ những nhà nuôi dê vẫn lấy sữa dê nuôi con, vừa tiện, vừa rẻ. Mà sữa dê cũng tốt lắm.

Ông Năm Heo cười hí hí: - Vậy thằng nhỏ sau này ... dê phải biết.

Bà Năm nghe chồng nói, hét lên:

- Thôi đi. Cha... mắc dịch. Chỉ nói tầm xàm là giỏi. Già rồi mà không nên nết.

Từ khi có cha con Ba Hớn ở gần, bà Năm Heo tỏ ra quyến luyến, cưng chiều thằng Lạc vô cùng. Hễ vắng nhà thì thôi, về tới là bà kiếm nó bồng ẵm, tắm rửa, cho ăn, coi như con cháu ruột của mình vậy. Rồi dần dần bà để chồng chở heo đi bỏ nọc một mình, mặc ổng cằn nhằn, cự nự.

Bà bảo:

- Bác nó suốt ngày loay hoay với mấy con dê, bỏ thằng nhỏ nằm chèo queo một mình thấy tội. Có hôm đói sữa, nó khóc hết cả hơi, mà không thấy bác nó đâu, làm sao làm ngơ cho đành. Thôi, ông chở heo đi một mình, tui ở nhà với nó.

Nói rồi, bà giữ lời. Ðuợc bà Năm chăm sóc, cho bú đúng giờ, đúng cữ, thằng Lạc sạch sẽ, lớn mau như thổi, lại càng được bà cưng chiều hơn. Ba Hớn cũng yên tâm, hàng ngày dạy sớm lo cơm nước, vắt sữa, nấu sữa cho thằng Lạc, rồi lùa bầy dê đi kiếm những nơi có cỏ, có lá non. Thỉnh thoảng Ba Hớn cũng chịu tốn tiền mua thêm so đũa cho dê, nên chẳng bao lâu, bầy dê của Ba Hớn sanh nở ngày một nhiều. Lúc đầu bày dê chỉ có vài ba con, nay đã lên tới con số hai mươi mấy, mà con nào con nấy mập tròn.

Khi thấy bầy dê đã có thể bán, ông Năm tự động đi kiếm nơi tiêu thụ. Vì trực tiếp bán cho những quán bán thịt dê, không qua thương lái, tuy chậm, cực hơn, nhưng được lời nhiều. Trước tấm lòng nhân hậu, thương người của vợ chồng Năm Heo, không hề tính thiệt hơn, Ba Hớn tự nhủ mình không thể nào dấu mãi chuyện vì sao đã khiến mình trôi dạt đến vùng đất này. Nên trong một bữa nhậu, Ba Hớn đã ứa nước mắt, kể hết cho vợ chồng Năm Heo nghe câu chuyện riêng đời mình, mà lẽ ra Ba Hớn định dấu nhẹm, định “sống để bụng, chết mang theo”.

Theo lời Ba Hớn, vì nghe theo bạn bè, nên đã tham gia vào việc Làng Xã, rồi vì trước ở trong ngành Phú Lít, cảnh sát, nên Ba Hớn đã được đề cử giữ việc An Ninh. Ở chức vụ mới, Ba Hớn đã hoạt động rất tích cực, khiến bọn nằm vùng, nhảy núi, không còn dám lộng hành. Bởi, Ba Hớn không những biết rõ, mà còn nắm rất vững thói quen, tính tình, nắm vững đường đi nước bước của bọn chúng... Ba Hớn biết rõ về bọn chúng, vì trong số những tên đó không ít tên trước kia là bạn học, thậm chí là họ hàng, chòm xóm của mình. Vì thế Ba Hớn nhất định không tin lời những người đàn bà có chồng đi theo đối phương, mà vẫn mang bầu, vẫn sanh nở, khi bị nghi ngờ tra hỏi, đã thản nhiên nhận mình chửa hoang để che mắt chính quyền, che mắt bà con làng xóm. Vì không dễ tin, nên Ba Hớn thường ém tay chân thân tín, phục kích quanh nhà mấy tên thoát ly, và đã đạt được kết quả. Những tên này ăn quen, nhịn không quen, thỉnh thoảng vẫn mò về nhận tiếp tế của gia đình, mò về với vợ, thế là dính bẫy Ba Hớn. Nhưng bẫy người mãi cũng có lúc bị bẫy lại. Thấy Ba Hớn diệt hầu hết những cơ sở mà bọn chúng đã mất bao công phu, ngày tháng mới gây dựng được, cũng như tìm mọi cách mà không hạ sát được Ba Hớn, bọn chúng đã nghe theo kế hoạch của Sáu Hường dùng nhan sắc loại Ba Hớn, khiến Ba Hớn thân bại danh liệt. Và Sáu Hường đã thành công.

Bà Năm:

- Chuyện đó làm sao chú biết?

- Thì một tên khá gộc bị bắt... Nó xin được đổi thành về quy thuận. Và, để lập công nó đã báo cho tụi em mọi chuyện, báo rõ đường đi nuớc bước của bọn cán gộc cũng như nhiều sào huyệt của bọn chúng.

Ông Năm Heo ngắt lời Ba Hớn:

- Chú mới nhắc đến Sáu Hường. Phải Sáu Hường “Biển Cô Ðơn” không? Ba Hớn ngạc nhiên:

- Ủa sao anh Năm lại biết Sáu Hường Biển Cơ Ðơn?

Nghe hỏi, Năm Heo liếc nhìn vợ, không trả lời. Hỏi hai ba lần, lão quặu:

- Hỏi hoài...

Ba Hớn ngạc nhiên, vì biết rõ tính tình Năm Heo, có chuyện gì là xổ ra hết, không để trong bụng lâu được, nhưng xong rồi thì thôi, không giận, không thù ghét ai. Vậy mà... Ba Hớn tính hỏi tới nữa, nhưng nghĩ chắc có điều khó nói hay ngại bà Năm, nên Năm Heo mới không trả lời câu hỏi của mình. Vì thế Ba Hớn vẫn tiếp tục câu chuyện. Và, lòng thầm hẹn, có dịp sẽ hỏi riêng Năm Heo sau. Nghĩ vậy, Ba Hớn ngửa cổ dốc cạn ly đế, kể tiếp...

Thời còn con gái, Sáu Hường nổi tiếng đẹp nhất vùng, không những thế lại có tài ca cải lương cũng như tân nhạc không thua gì những cô đào chuyên nghiệp. Sáu Hường đã khiến Ba Hớn và bao chàng trai cùng trang lứa chết mê chết mệt mỗi khi cất tiếng ca bản vọng cổ Biển Cô Ðơn do chính mình sáng tác. Mặc những lời tán tỉnh, theo đuổi của bao người, Sáu Hường vẫn dửng dưng. Cuối cùng mọi người xửng sốt khi hay tin Sáu Hường nhận lời làm vợ Tư Tân, một người hơn nàng mười lăm tuổi, nghèo rớt mồng tơi, đám cưới chẳng có gì ngoài mâm trầu cau. Cưới xong được ít lâu., Tư Tân đột nhiên bỏ đi. Rồi Sáu Hường cũng không thấy đâu. Bà con trong vùng không ngớt rủa xả Tư Tân, chê cười Sáu Hường khờ dại. Có người còn thương sót Sáu Hường hồng nhan bạc phận. Riêng Ba Hớn không dễ tin. Nhưng vì không có bằng chứng cụ thể, nên đành để bụng. Từ đó Ba Hớn càng để tâm theo dõi bọn đã thoát ly, bọn có cảm tình với tụi bên kia. Rồi đột nhiên Sáu Hường trở về, với lý do làm ăn xa thất bại nên trở về quê cũ cùng lúc có tin hình như Tư Tân cũng đang lảng vảng đâu đó vùng Hóc Môn Bà Ðiểm, Nhị Bình.

Mặc dù thắc mắc về chuyện đi về của Sáu Hường, trùng hợp với tin của Tư Tân, nhưng thâm tâm Ba Hớn chưa bao giờ nghĩ là Sáu Hường hoạt động cho đối phương. Ái tình đã làm mờ mắt Ba Hớn, kẻ từng lớn tiếng không chuyện gì qua mặt được mình, không một tên nhảy núi vô rừng, nằm vùng, nào thoát khỏi tay mình, chỉ có điều sớm hay muộn mà thôi.

Một đêm, Ba Hớn được mật báo, Tư Tân mò về kiếm vợ, nên tức tốc mang mấy tên đàn em thân tín phục bên ngoài nhà Sáu Hường. Nhưng khi xông vào phòng riêng của Sáu Hường, Ba Hớn không thấy ai... ngoài Sáu Hường đang ngủ, ống quần vén cao, khuy áo bung gần hết, hở nguyên khoảng ngực trắng ngần... Ba Hớn còn đang lúng túng trước tình cảnh đó, thì Sáu Hường cựa mình tỉnh dậy, thấy Ba Hớn tìm đường rút, đã nhanh tay túm chặt lấy Ba Hớn, dọa:

- Ðêm khuya, tự dưng... Thầy An Ninh... chun vô phòng tui mần chi? Tính làm ẩu nữa hả? Tui la lên cho chòm xóm hay cho mà xem.

Ba Hớn xuống nước:

- Ðâu có... đâu có gì đâu. Tui đi rỏn (đi tuần) chợt thấy có bóng người leo rào nhà Sáu, nên rượt theo, chứ... chứ... có ẩu... ẩu gì đâu.

Sáu Hường cao giọng:

- Ai tin được lời ông An Ninh. Rõ ràng tui bắt gặp ông trong phòng tui, nếu không định làm ẩu, thì ông mò vô phòng tui đêm hôm khuya khoắt mần chi vậy?. Mà ông thấy đấy, tui ở có một mình, làm gì có ai... Nếu như ông... có nghi ngờ điều chi, sao ông không đàng hoàng gọi cổng mà lại tính chuyện leo rào, chui lỗ chó như thế chớ?

Trước lý lẽ của Sáu Hường, Ba Hớn cứng họng. Trong khi Ba Hớn đi không được, mà ở cũng không xong, thì Sáu Hường vẫn để nguyên quần áo hớ hênh như vậy nghiêng đầu ngắm nghía Ba Hớn như ngắm một vật lạ, làm cho Ba Hớn đã lúng túng lại càng lúng túng hơn. Thấy thế, Sáu Hường cao giọng:

- Chắc đêm hôm khuya khoắt, một thân mò đi “kiếm ăn”, nên đâu có mang theo quân lính, phải vậy không, thày An Ninh? Như vậy tui có la khản cổ, la đến bể làng vỡ xóm, cũng đâu có ai ra tay nghĩa hiệp cứu tui cho đặng, há thày An Ninh há. Vậy... giờ thày tính sao đây? Ông... ở ...hay dzề? Ðể tui còn ngủ tiếp. Chứ không lẽ, cứ đứng vầy đợi sáng cho chòm xóm hay chuyện sao đây?

Ba Hớn như không tin ở tai mình, nghe Sáu Hường hỏi ở hay dzề, Ba Hớn lại nghĩ Sáu Hường không làm khó mình, nên định rút êm. Nhưng đúng lúc Ba Hớn quay đi, thì Sáu Hường đã nắm chặt cánh tay, kéo ghị lại:

- Bộ tính bỏ đi thiệt hay sao vậy... thày An Ninh?

Quá đỗi bất ngờ.... trong khi Ba Hớn đang nhìn Sáu Hường lom lom, thì Sáu Hường đã chồm tới... Mãi đến mờ sáng, Ba Hớn mới rời khỏi nhà Sáu Hường, báo hại mấy tên đàn em phải làm mồi cho muỗi suốt đêm bên ngoài.

Nghe Ba Hớn thuật đến đấy, một lần nữa, ông Năm Heo lại cắt ngang lời:

- Từ lần đó, từ lần có tin về thằng Tư Tân, nhưng khi ập vào không thấy gì, lại còn... câu... được con Sáu, chú mày càng tuyệt đối tin tưởng nơi con Sáu, không những thế chú mày còn cặp bồ luôn với nó nữa chứ gì?

Ba Hớn lúng túng:

- Anh Năm... đoán đúng... đoán ...

Năm Heo gục gặc đầu”

- Thế thì phải rồi... phải rồi.... Chết là đáng.

Bà vợ Năm Heo chen lời, hỏi:

- Mà tại sao chú biết con Sáu ở đây mà kiếm.

- Em có biết mô tê gì đâu,. Khi quyết định bỏ đi, em ôm thằng nhỏ đi đại, đi từ lúc tối trời, mờ đất, vì chỉ sợ có người bắt gặp. Mới ra tới con lộ lớn, thấy lơ xe đò hỏi có đi không, em gật đại. Ðâu có biết chuyến xe chạy về đâu. Chừng một đỗi đường mới hay xe chạy ra ngoài này. Nhưng em cũng mặc, muốn tới đâu thì tới, miễn đi thật xa, tránh khỏi con mắt bà con chòm xóm, vợ con là được.

- Thế chú có bao giờ nghe con Sáu nói về quê hương bản quán trước đây của nó không?

- Dạ... không, chị Năm. À... mà... không... À... hình như có lần Sáu Hường có nói, nhưng em quên mất tiêu. Ðến chừng ở đây một thời gian, mới nhớ lại, hình như Sáu Hường có nói về miệt này thì phải.

Năm Heo khẽ thở dài:

- Hừ, anh hùng không qua khỏi ải mỹ nhân. Các cụ nói quả không sai.

Ba Hớn bẽn lẽn:

- Em... em mà anh hùng gì, anh Năm.

- Thì phải rồi, chú không phải anh hùng nên con Sáu nó mới trói chú bằng sợi dây lưng quần của nó dễ dàng. Không tốn một chút sức, chút công. Hừ, thằng đực nào cũng như nhau, cũng... ngu, thấy con cái nào mở váy, mở lưng quần là nhắm mắt nhào vô chẳng cần biết hậu quả sẽ ra sao.

Ba Hớn hơi bất ngờ, khi thấy Năm Heo tự dưng lại nổi quặu, nhưng cho rằng chắc do uống nhiều nên lão mới vậy. Và, trong khi Bà Năm nghe tiếng trẻ khóc, đã rời chiếu nhậu.... Ba Hớn cũng thấy không còn hứng nhậu nữa, nên lẳng lặng rút lui, bỏ mặc lão Năm ngồi lại một mình.

Sớm hôm sau, khi vừa ra khỏi phòng ngủ, Ba Hớn đã thấy bà Năm lẩn quẩn bên ngoài hàng hiên như có ý đợi mình. Vừa thấy mặt, bà đã bảo Ba Hớn:

- Hôm nay chú nghỉ lùa dê đi kiếm ăn, ở nhà với thằng Lạc, để tui đưa heo đi. Lỡ hẹn với người ta rồi bỏ không được. Khi trở về, tui sẽ mua cỏ, chú khỏi lo.... Tui sẽ lo đủ cỏ mấy ngày.

- Khỏi cần chị Năm, cỏ dự trữ còn nhiều, mua chi cho tốn. Bộ anh Năm bịnh hay sao vậy? Thôi, chị ở nhà, chỉ chỗ tui đưa heo đi cho.

Bà vợ Năm Heo ngoắc tay:

- Ổng đi từ lúc còn tối trời cho kịp “tài nhứt”. Chắc phải mươi hôm mới về tới. Chú ở nhà, tui đưa heo đi, xong còn ra chợ mua ít đồ ăn. Chú đàn ông biết mua bán gì.

Biết có gặng hỏi mấy cũng vô ích, nên Ba Hớn lặng thinh quay vào nhà, mặc cho vợ Năm Heo ì ạch đẩy chiếc xe lam ra nổ máy, rồi lùa con heo nọc lên xe chở đi. Dù không thạo việc như chồng, nhưng bà Năm cũng lo mọi chuyện suông sẻ, không mấy vất vả.

Buổi chiều ngày thứ ba, kể từ lúc Năm Heo vắng nhà, Ba Hớn tính cho thằng Lạc ăn xong chén bột, mới phụ bà Năm dọn cơm chiều, thì Năm Heo về tới. Theo sau là một thằng nhỏ còm nhom, đen thui, cỡ mười bốn, mười lăm tuổi.

Vợ Năm Heo hỏi chồng:

- Ủa ông về tới rồi hả. Sao lẹ quá vậy? Tui tưởng ít ra vợ chồng nó cũng giữ ông ở chơi năm ba bữa, tuần lễ.

Năm Heo nói như thở hắt ra:

- Tụi nó có giữ. Còn trách bà sao không ra chơi, tham công tiếc việc mần chi. Nhưng bụng dạ nào mà ở. Nên đuợc một ngày là tui dông về liền. Có ăn chưa, đang đói muốn chết đây.

Bà Năm cười:

- Ông làm như ma đói vậy. Thì thủng thẳng nghỉ ngơi tắm rửa cho mát, rồi ăn. À, có nổi canh chua cá bông lau, định mơi mới ăn, để dọn ra luôn.

Ðang tính đi tắm, Năm Heo như chợt nhớ ra điều gì, lật đật quay lại góc nhà lấy đưa cho vợ cái túi xách đan bằng sợi lác:

- Chút xíu quên. Lúc đi ngang quán A Chảy, thấy mấy người đang chia nhau con heo, tui nài lấy bộ lòng, còn nóng hổi đấy.

Bà Năm đưa tay đỡ cái túi, lục moi một bọc giấy báo tổ chảng, mở ra. Bên trong nguyên một bộ lòng heo.

Bà Năm:

- Con heo có mỗi bộ đồ lòng, ông lấy hết, người ta ăn bằng gì?

- Họ mua thêm lòng heo ngoài chợ, nên mới để cho mình nguyên một bộ đấy. Ai cũng thích lòng heo. Mà bộ lòng này là của con heo mới thịt, không phải hàng chợ đâu.

Bà Năm:

- Ừ, bộ lòng ngon đấy.

Khi Năm Heo tắm xong ra đến nơi, thấy mọi người đang chờ mình bên mâm cơm, nên vừa ngồi xuống là vớ ngay lấy chai rượu, rót ra ba ly:

- Bà cũng uống vài ly cho vui.

Ba Hớn cười:

- Mà ai vui, anh phải nói cho rõ à nghen.

Năm Heo cất tiếng cười hà hà:

- Thì ai vui mà chẳng được.

Thấy hai người đàn ông đối đáp, bà Năm tảng lờ như không nghe rõ lời họ, quay qua ngoắc thằng nhỏ ông chồng mới giắt về:

- Quên mất cháu tui. Lại đây, lại đây ăn... Chắc cũng đói dữ rồi còn gì.

Phải đợi bà Năm gọi hai ba lần, thằng nhỏ mới từ góc nhà rụt rè tiến đến bên bà ngồi xuống. Bà Năm nhìn Ba Hớn nói:

- Thằng này cũng tên là thằng Lạc. Tên nó cũng do ông Năm đặt cho đấy, nhưng mẹ nó gọi nó là thằng Lỡ.

Từ lúc có thằng nhỏ đến bên chiếu rượu, Ba Hớn nhận thấy thái độ của Năm Heo khác hẳn. Ông ta không còn cười, nói, mà lại chỉ lầm lỳ ngồi uống suông, dù Ba Hớn biết rõ bữa nhậu nào có món lòng heo làm mồi, lão Năm ăn quên cả mọi người chung quanh. Tuy thấy kỳ, nhưng Ba Hớn không hỏi, cũng cắm cúi ăn, coi như quanh mâm cơm không có mặt vợ chồng Năm Heo vậy. Cho đến khi thằng Lỡ ăn xong, bỏ đi. Năm Heo đột ngột lên tiếng hỏi Ba Hớn:

- Chú có biết thằng nhỏ đó con ai không?

Ba Hớn thật thà:

- Con ai vậy, anh Năm?

Năm Heo hỏi lại, giọng như muốn gây gổ:

- Bộ chú không biết thật à?

Ba Hớn ngơ ngác:

- Tui không biết thật, anh Năm à.?

Bà Năm cằn nhằn chồng:

- Thì không biết, chú ấy nói không biết. Câu chuyện có đầu có đuôi, ông không kể rõ, làm sao chú ấy trả lời được.

Nghe vợ nói, lão Năm mới dịu giọng:

- Ừ tui hồ đồ thực. Trong đầu nghĩ ngợi lung tung, nên khi nói ra mới vậy...

Yên lặng một lát, đột nhiên lão Năm hất hàm bảo Ba Hớn:

- Con của chú đó...

Ba Hớn nhẩy nhổm:

- Con nào... con nào? Anh Năm nói gì tui không hiểu.... Con tui khi nào cà, chị Năm?

Bà Năm nhìn Ba Hớn vẻ thương hại, trách chồng: - Trời đánh còn tránh miếng ăn. Vậy mà ông cũng không để chú ấy ăn xong hãy nói chuyện.

Năm Heo cằn nhằn:

- Nhưng.... tui.... tui.... có chuyện không giữ yên trong bụng lâu được, ấm ách lắm.

Bà Năm cười, nói với Ba Hớn:

- Chú biết đấy, ổng già rồi mà lúc nào cũng nóng như lửa.

Rồi bà ôn tồn kể cho Ba Hớn nghe, thằng Lạc Lỡ là con Sáu Hường... và Ba Hớn. Mới nghe Bà Năm nói vậy, Ba Hớn toan vặn hỏi, thì ông Năm đã ngoắc tay:

- Ðể chị Năm chú kể hết đã, phải trái, tính sau.

Bà Năm Heo cho biết, Sáu Hường với bà là chị em con chú, con bác họ, bà vai chị. Trước vì nghèo khổ, nên gia đình bà và gia đình Sáu Hường phải về nương nhờ họ ngoại, miệt Hóc Môn Bà Ðiểm. Rồi sau bố mẹ bà nhờ buôn bán, nấu rượu chứ không làm ruộng như gia đình Sáu Hường, nên có của ăn của để. Lớn lên bà có gia đình, người chồng trước cùng quê nội, nên theo chồng về đây sinh sống. Khi Sáu Hường còn nhỏ, trong một chuyến về thăm mộ ông bà dịp cuối năm, bố mẹ Sáu Hường bị lật xe, chết cả hai, nên con Sáu được người bà con bên ngoại của nó mang về nuôi, cho ăn học, nhưng nó vẫn bị mọi người nhìn bằng con mắt khi dễ. Rồi mọi chuyện xảy ra cho nó chú là người biết hơn ai hết, tôi không cần kể.

Ba Hớn:

- Chị nói là có chuyện xảy ra cho Sáu Hường. Nhưng là chuyện gì vậy... Sao chị lại nói tui biết rõ?

Bà Năm giọng nghi ngờ:

- Nghe chú nói, chú như người không có liên quan gì... với con Sáu Hường.

Ba Hớn ngượng nghịu:

- Thì mới đây.... chuyện ấy đã kể hết với anh chị rồi.... vì thế mới phải bỏ xứ mà đi.

Bà Năm lắc đầu:

- Chuyện mới đây, không liên quan gì tới chú. Ðúng hơn, thằng Lạc nhỏ không có liên hệ bà con máu mủ gì với chú, dù chú có đi lại với con Sáu cả năm trời. Vì thằng Lạc nhỏ không phải con chú?

Ba Hớn vò đầu bứt tai:

- Trời .... trời ơi. Tui chẳng còn biết mô tê gì hết. Chắc khùng đến nơi rồi.

Năm Heo nẫy giờ ngồi lặng thinh, chợt lại nổi quặu:

- Bộ khùng rồi là hết chuyện sao... mầy?

Bà Năm vẫn ôn tồn:

- Thủng thẳng rồi chú sẽ rõ nguồn cơn... Chú còn nhớ một lần chú và con Sáu Hường gặp nhau ở đám giỗ bên nội của chú không. Không rõ say thiệt hay vờ say rượu, chú đã làm bậy con Sáu. Bà má chú không biết sao hay chuyện, bả hăm dọa con Sáu để ngăn cản hai người tiếp tục gặp nhau, vì bà vẫn nghĩ một người có học, con nhà giàu như chú, không thể đi lại với đứa không cha, không mẹ, được người nuôi như một thứ ở đợ không công, chứ đừng nói đến chuyện lấy nhau. Con Sáu căm hận chuyện đó, nên khi biết mình có bầu, nó nhất định cắn răng chịu.Và nó hợp thức hóa cái bầu bằng cách lấy Tư Tân, dù không yêu thương gì thằng Tư. Ngoài chuyện hợp thức hóa cái bầu, con Sáu lấy Tư Tân, vì nó biết Tư Tân hoạt động cho tụi bên kia, nó nghĩ lấy Tư Tân rồi theo thằng cha hoạt động, nó sẽ có dịp trả thù được bọn người đã khi dễ nó.

Ba Hớn thở hắt ra:

- Em không ngờ đụng nhau một lần... mà sinh chuyện. Nếu biết Sáu Hường có bầu, em đâu bỏ được.

Bà Năm vẻ hiểu biết:

- Nói thì dễ, chứ đụng chuyện rồi mới biết. Chú làm sao có thể bỏ gia đình bố mẹ, sống với con Sáu được. Gia đình chú mà biết con Hường có bầu, sẽ tìm cách bắt đứa nhỏ, chứ không đời nào cho chú lấy nó.

Ba Hớn hỏi:

- Tư Tân có biết chuyện không?

- Khi ở với Sáu Hường rồi mới biết. Lúc đầu hắn định giả ngơ giả điếc, vì muốn lợi dụng Sáu Hường cho dễ hoạt động. Thằng Tư định bụng khi con Sáu sanh xong, nó sẽ bắn tiếng cho chú biết, để lấy cái vỏ an ninh của chú mà hoạt động. Nhưng rồi lời ra tiếng vô, suốt ngày bị dè bỉu đứa đúc cốt, đứa tráng men, chịu không nổi, hắn phải bỏ đi. Con Sáu về đây sanh. Tội nghiệp con nhỏ, suốt thời gian đó, không ngày nào nó không khóc. Có điều không ai ngờ con Sáu lại rắp tâm trả thù bố mẹ chú một cách thâm độc như vậy. Khi thằng nhỏ đã cứng cáp, nó mang thằng nhỏ lên núi, tính sẽ cho làm bọn kia... Và nếu như thằng Lạc lớn không bị đau gần chết, thương con, nó phải bồng thằng Lạc lớn về đây cho tui, không biết thằng nhỏ sẽ ra sao. Cũng may thằng nhỏ được cứu kịp. Sau khi khỏi bịnh tui và ông Năm không cho nó mang thằng Lạc lớn đi nữa. Ðến khi vợ chồng đứa con gái lớn của tui đổi ra ngoài Bồng Sơn, tui cho thằng Lạc lớn theo, để tránh chuyện con Sáu lại bắt nó đi theo mình.

Nghe tới đó, Ba Hớn thở dài. Rồi hỏi:

- Thế còn thằng Lạc nhỏ?

- Con Sáu lấy đứa nào trong thời gian đi hoạt động, không biết nữa, được ít lâu thằng đó bị bắn hạ trong một cuộc hành quân của mình. Nó liền ôm bụng về lại Hóc Môn Bà Ðiểm.

Ba Hớn ngắt lời bà Năm:

- Thế Tư Tân đâu đến nỗi Sáu Hường phải sống với người khác?

- Nghe nói thời gian đó thằng Tư bị điều qua Lào hoạt động. Ðến khi con Sáu Hường trở thành gái góa, xin trở về hoạt động tại nơi cũ, bọn lãnh đạo của con Sáu liền sắp xếp, bố trí cho hai đứa chúng nó trở về sống lại với nhau. Và, bọn chúng đã tìm cách gài chú vào tròng. Nhà con Sáu biến thành hang ổ của bọn cán bộ. Và là nơi trú ẩn an toàn của bọn đầu xỏ của bọn chúng, mỗi khi bọn đó đi công tác ngang qua. Chính con Sáu đã xắp xếp những lần chú đến với nó. Những lần đó, bọn thằng Tân hay đồng bọn của nó hội họp ở ngay phía dưới chiếc giường hai đứa đang hú hí với nhau, mà chú mê muội có biết gì đâu. Bọn chúng họp mà có đàn em ông trưởng ban an ninh gác bên ngoài, còn gì an toàn hơn. Ðã thế, con Sáu mang bầu bao lâu, sanh nở thế nào, chú cũng mù tịt, đến nỗi con người nó bảo con mình cũng ừ... Con Sáu tính đưa giống Việt Cộng cho chú nuôi, chú cũng không hay. Cả tin như vậy. Khờ khạo như vậy... mang khổ vào mình là đáng đời.

Ba Hớn đỏ bừng mặt, kêu lên:

- Trời ơi! Trời ơi!.... Và thật không ngờ thằng Tư Tân lại muối mặt cho vợ đi với người khác.

Bà Năm:

- Thì nó cho làm như thế là hy sinh cho đảng, xứng danh con người cộng sản mà lại.... Chỉ có chú cả tin, khờ khạo, mới cho là kỳ.

Ông Năm nhìn Ba Hớn lắc đầu:

- Khờ còn đỡ. Phải nói nó ngu. Quá ngu. Vậy mà cũng vác mặt làm an ninh. May mà cả lũ không mất mạng.... cũng là chuyện lạ.

Nghe Năm Heo mỉa móc, Ba Hớn ngồi im chịu trận. Bà Năm cũng bỏ mặc chồng và Ba Hớn, bước vào trong lấy thêm bình rượu thuốc ra để cạnh mâm cơm, rồi ngoắc thằng Lạc lớn, lúc đó vừa từ ngoài vườn vào tới:

- Ðể mấy ổng nhậu, mày lo tắm rửa rồi đi ngủ.

- Cháu tắm rồi.

- Ứ thôi ngủ sớm đi, mơi giúp bác Bảy lùa dê đi kiếm cỏ.

Thằng Lạc lớn, giọng ngạc nhiên:

- Sao bác Bảy không đi một mình hả bác?

Bà Năm xoa đầu Lạc lớn:

-Tại bác muốn con có dịp đi chơi với bác Bảy vậy mà. Thôi, đi ngủ đi, đừng hỏi nữa.

Thằng Lạc lớn ngoan ngoãn nghe lời, đến bên chiếc võng dành cho nó nơi cuối nhà, leo lên nằm đu đưa. Một lúc sau, đã có tiếng nó ngáy vang.

Còn lại ba người, bà Năm hỏi Ba Hớn:

- Giờ chú tính sao.?

Ba Hớn lặng thinh một lúc mới lên tiếng:

- Thì em phải lãnh chịu hai đứa nó chứ sao.

- Lãnh là lãnh thế nào... mà không cần chú phải bận tâm đến thằng Lạc nhỏ, nó đâu phải con chú.

- Không phải con em, nhưng là con Sáu Hường, mẹ nó giờ không có đây... thì ... thì... em... lo cho nó cũng được vậy.

Năm Heo lớn tiếng:

- Cha... bảnh quá hé.... Hừ, ngon dữ vậy đa. Con nàng cũng như con... tui. Bảnh. Thằng Ba coi vậy bảnh dữ đó nghe.

Nghe giọng lưỡi xỏ xiên, móc họng của chồng, bà Năm gắt:

- Bộ ông không để chú ấy yên một lúc được hay sao? Mỉa mai thì được ích gì? Ðằng nào thì mọi chuyện cũng lỡ rồi. Ðừng quậy cho nó hư bột hư đường ra nữa.

Thấy vợ cằn nhằn, Năm Heo lặng thinh, quơ chai rượu, rót liền mấy ly, ngửa cổ tợp, không kịp đợi rượu trôi qua cổ họng.

Ba Hớn dịu giọng:

- Chị Năm biểu... em... phải làm sao... Ý chị sao... em xin theo như vậy.

- Thì phải bàn... Tui nghĩ chú phải lo cho thằng lớn, nó có giấy tờ khai sinh hợp lệ, mới học hành được. Hồi ở ngoài Bồng Sơn, nó học trường quân đội nên dễ, về đây khác. Hơn nữa, không thể để nó trở thành đứa nhỏ không cha không mẹ, lại không giấy chẳng tờ, tủi cho nó sau này. Tui nói vậy, chú thấy sao?

Ba Hớn lắp bắp:

- Dạ... dạ.... Như vậy mới phải. Nhưng... em tưởng ở ngoài Bồng Sơn nó đã có giấy tờ... Chị Năm đã chẳng nói thằng Lạc lớn đã cho vợ chồng đứa con gái chị nuôi rồi. Em nghĩ nó phải có giấy tờ rồi chứ.

- Ðúng, cho con chị làm con nuôi, nhưng nó chỉ được cho khơi khơi vậy thôi, chứ chưa có giấy tờ chứng nhận gì. Phần thằng con rể chị bận hành quân liên miên, vợ nó chẳng biết gì. Cứ tưởng nuôi như vậy là xong. Phần khác... nói... thiệt nghe, thằng rể chị nó cũng ngại khi biết gốc gác mẹ ruột của thằng Lạc lớn. Nó sợ rắc rối về sau. Nhưng giờ về đây thì khác... Chú không còn ở trong chính quyền, không ở trong quân đội. Vả lại ở đây quen biết, cũng dễ.

Ba Hớn:

- Em nghe theo chị. Nếu có hao tốn gì, chị cho em biết.

- Khỏi lo chuyện tiền bạc. Cũng là nhờ qua nhờ lại cả thôi. Cứ lo cho thằng Lạc lớn, thằng nhỏ để tui nuôi, rồi tính.

Qua tuần sau, bà Năm bảo Ba Hớn:

- Chú sửa soạn mơi sớm theo anh Năm qua bên thị xã, lo cho thằng Lạc lớn. Mọi chuyện tui đã nói với người ta hôm cuối tuần rồi. Khỏi phải tiền bạc gì. Lúc nào xong chuyện, chú mời họ đi nhà hàng một chuyến là đuợc.

Ba Hớn vẫn không yên tâm:

- Theo em biết, có gì cũng phải tính chuyện phải quấy chứ, chị.

Trong lúc ông Năm càu nhàu:

- Chỉ vẽ chuyện...

Bà Năm vẫn ôn tồn:

- Ðã bảo chú khỏi lo mà. Tụi nó là con cháu không hà. Tui giúp chúng nhiều, giờ mới có chút việc nhờ vả đến bọn chúng.

Nghe vậy, Ba Hớn yên bụng. Trước lúc ra thị xã, Ba Hớn nói với vợ chồng ông Năm:

- Vẫn biết nó là con ruột của em, khi làm giấy tờ cũng ghi rõ là con em, nhưng chỉ có người làm giấy tờ là biết rõ như vậy, ngoài mặt, xin anh Năm cứ nói với mọi người ngoài thị xã là em nhận nó làm... con nuôi. Còn riêng với bà con chòm xóm, và thằng Lạc Lỡ, em là... bác của nó. Mọi chuyện thủng thẳng rồi tính. Em nói vậy chắc anh chị hiểu bụng em.

Bà Năm vội trấn an Ba Hớn:

- Chú yên tâm. Chú có quên, tui cũng nhắc chừng.

- Em cám ơn anh chị nhiều. Không ngờ một người tứ cố vô thân, một người hoàn toàn xa lạ với anh chị, mà lại được anh chị tận tình giúp đỡ....

Không để cho Ba Hớn nói hết câu, bà Năm cắt ngang, cười:

- Người lạ hồi nào. Dù gì chú cũng là em...rể... Vả lại, cái chính là tui lo cho thằng Lạc, thằng cháu tui ... chứ bộ....







Nằm mãi trên giường, nghĩ lại chuyện cũ, Ba Hớn hay Bảy Xị, cảm thấy mình mẩy đau nhừ, định ngồi dạy, bước qua gian ngoài, thì nghe có tiếng đẩy cửa phòng, anh em thằng Lạc theo nhau bước vào. Thấy mặt hai đứa, Bảy Xị luống cuống, xẵng giọng:

- Có chuyện gì, mà mới sáng bảnh mắt tụi bay đã ồn ào dữ vậy?

Thằng Lạc cười:

- Gần quá trưa rồi, Tía biết không. Nhà bác Năm đã ăn cơm trưa từ lâu, chứ sớm gì nữa.

Lần đầu nghe thằng Lạc gọi mình bằng Tía, tự dưng Bảy Xị nổi quặu:

- Tía. Hừ. Mày nói gì vậy?...

Lão còn định nói nữa, thì thằng Ban đã ngắt lời:

- Tía thật kỳ. Anh Lạc là con Tía, không kêu vậy, thì Tía muốn ảnh kêu sao Tía mới hài lòng. Nói Tía đừng giận, anh em con đã nói chuyện với nhau rồi. Nói hết. Vậy Tía đứng la ảnh nữa. Ảnh đâu có lỗi gì trong vụ này.

Thấy Bảy Xị ngồi lặng thinh, thằng Ban nhẹ giọng:

- Thôi Tía à... Mọi chuyện qua rồi, đừng bao giờ nhắc lại nữa. Giờ Tía sắp xếp công chuyện, tụi con đón Tía về.

Bảy Xị phản đối yếu ớt:

- Không... tao không về đâu. Mày đưa nó về đi. Và nói với má tụi bay, tao xin lỗi, xin lỗi nhiều lắm.... Thôi về đi. Cứ coi như tao đã... chết... rồi là xong.

Cả hai anh em thằng Lạc cùng kêu lên:

- Tía kỳ, kỳ quá mà.

Thằng Ban:

- Tía không thương anh em tụi con thì Tía cũng phải nghĩ đến má... Bả đã khổ sở như thế nào khi không có Tía một bên. Có chút tiền, chút vốn, thậm chí ruộng vườn hương hỏa bả cũng bán sạch, tiêu sạch lo cho tụi con... Hết tiền, bả làm lụng như trâu, làm đến kiệt sức, không phân biệt công việc sang hèn, miễn là có tiền cho tụi con ăn học nên người. Ðến khi mấy đứa lớn có vợ có chồng rồi, bả bỏ vô chùa.

Nghe thằng Ban nói vậy, lão Bảy Xị thảng thốt kêu lên:

- Dzô... ô ... ô... dô... dô... chùa sao? Dzô chùa... sao?

Rồi như không tự chủ được, lão bật khóc. Tiếng khóc càng lúc càng lớn. Hai anh em thằng Lạc đứng chết trân. Nhưng không một đứa nào lên tiếng hoặc có một cử chỉ an ủi nào. Khóc một lúc, Bảy Xị ngoắc tay đuổi hai đứa con:

- Tụi bay đi đi. Thằng Ban đưa nó về đi....

Bảy Xị còn đang định nói nữa, chợt lặng im, khi lão nghe rõ tiếng thở dài từ phía ngoài vọng vào, cùng tiếng của ông Năm Heo:

- Hừ, đúng là sướng... “thằng nhỏ”... giờ thằng cha mù con mắt....

Và, có tiếng bà vợ Năm Heo gắt:

- Ông đừng làm rối chuyện lên nữa.

Tiếng gắt chưa dứt, mọi người đã thấy bà Năm đứng trước cửa phòng, nhìn Bảy Xị:

- Ðừng có khùng điên lên như thế. Thủng thẳng bàn tính sao cho coi được, chứ khóc lóc thì giải quyết được cái gì. Bộ chú nghĩ đuổi hai đứa tụi nó về là xong hay sao? Thôi, giờ cũng trưa trầy trưa trật ra rồi, mọi người đi ăn đi, mọi chuyện đâu khắc đó.

Ở gần nhau một thời gian dài, Bảy Xị nghe bà vợ Năm Heo nói vậy, lão biết bà ta đã có chủ ý, đã có cách thu xếp mọi chuyện, nhưng lão vẫn nói:

- Gì thì gì, tui không theo tụi nhỏ đâu. Cứ nghĩ đến chuyện bị bà con chòm xóm chê cười, là... là chịu không nổi rồi.

Bà Năm cười:

- Giá trước chú biết sợ người ta chê cười đàm tiếu thì đỡ khổ bao nhiêu. Thôi, ai cười, mặc người ta, miễn mình biết lỗi, biết đối xử lại cho đàng hoàng là được rồi. Mình sống cho mình, cho vợ con, còn mặc hết. Chứ, đâu có thể cứ sống bằng dư luận, để khổ vợ khổ con mãi. Dư luận, chòm xóm, có nuôi chú ngày nào không. Vui thì họ vỗ tay vào, còn không, sống chết họ bỏ mặc.Vả lại, suy cho cùng, trong chuyện này cũng không phải chú hoàn toàn có lỗi. Nếu như con Hường không manh tâm, không chăng bẫy, thì chú đâu có bị kẹt. Anh hùng còn không qua khỏi ải mỹ nhân, huống hồ là chú. Tui nói vậy đã cạn lời, còn nghe hay không tùy chú....

Nói rồi, bà Năm Heo kéo tay chồng bỏ đi, anh em thằng Lạc cũng theo chân. Lúc còn hai đứa, thằng Ban hỏi:

- Liệu Tía có chịu nghe lời bả không?

Thằng Lạc khẽ gật:

- Nhiều hy vọng. Hồi nào Tía rất nể bả. Hễ bà cần Tía giúp đỡ chuyện gì, Tía nhận lời không đắn đo thắc mắc. Bả bàn chuyện gì, Tía nghe như sấm.

Thằng Ban nói:

- Bả trông có vẻ ít học, dân chân lấm tay bùn mà tính đâu ra đó.

Thằng Lạc cười:

- Anh lầm...

Thằng Ban khẽ gắt:

- Nữa... đã nói rồi, anh là anh Hai. Sao anh cứ gọi tui là anh vậy.

Thằng Lạc cười:

- Thì... thì tao với chú mày cùng tuổi, chỉ khác nhau mấy tháng, thì chú làm anh cũng có sao đâu.

Thằng Ban:

- Cho dù sanh cùng một ngày, một giờ, anh cũng vẫn là anh Hai. Có má Hường trước mới có má Toại, anh phải nhớ như vậy.

Thằng Lạc cảm động, kêu lên:

- Ban.

Thằng Ban:

- Chuyện của người lớn, để người lớn giải quyết. Anh em mình cứ lặng thinh là được.

Thằng Lạc khẽ gật đầu, nói qua chuyện khác:

- Gia đình bà Năm hồi đầu nghèo, sau làm ăn được. Nhưng vì nghịch với ông bố, nên bả quyết thân tự lập thân. Ngoài việc nhà, bả nhận làm đủ thứ việc để có tiền mua sách học, chứ nhất định không xin. Ði chăn trâu, chăn vịt thuê, mà lúc nào cũng kè kè quyển sách bên mình. Ở tuổi bả, nhất lại ở miệt vườn mà thông làu cả chữ Pháp lẫn chữ Hán là điều hiếm có đấy. Em... anh... à...à... tao.... được như ngày nay, dù không mảnh bằng lận lưng, cũng là nhờ bả tận tình chỉ dạy. Hồi đầu, khi mới khôn lớn, tao thấy Tía cũng có ý coi thường bả, bởi bà không có dịp dùng đến những điều đã học, ngoại trừ một ít chữ quốc ngữ dạy cho tao.

Thằng Ban ngắt lời:

- Bộ bả tự học à?

- Tự học... Ðúng ra bả cũng có thày là ông bạn thân từ nhỏ, ổng làm nghề dạy học, chỉ cho bà. Nghe nói, ổng thương bả lắm, nhưng ổng phải lấy vợ theo ý gia đình để... xóa nợ.

Nghe thằng Lạc nói, thằng Ban bật cười lớn:

- Ngộ há. Thường chỉ con gái nhà nghèo mới phải lấy chồng để xoá nợ. Nay, lại có cả đàn ông. Thật ở đời có lắm chuyện lạ. Nếu như mình không có dịp biết đến, khó mà tin.

Thằng Lạc giọng tin tưởng:

- Bởi vậy tao hy vọng Tía chịu nghe bả.

Thằng Ban hớn hở:

- Nếu thế đám cưới con Thường, có đủ mặt ông bà nội, lại có cả anh Hai thì vui biết mấy.

Thằng Lạc hỏi: - Thường là ai vậy?

- Là con gái lớn của em. Thương mẹ, mới mười sáu tuổi em đã lập gia đình... cho mẹ yên tâm. Phần nữa là để có người đỡ đần mẹ, vì nhà neo người... Nhất là từ khi mấy con em lấy chồng rồi đi xa, mẹ lại càng cực.

- Bộ không có đứa nào ở gần hay sao?

- Thì chồng tụi nó là lính đóng tận ngoài Trung, tận trên Cao Nguyên lận.... Thật tội cho mẹ hết sức. Khi vợ chồng em có con lớn rồi, mẹ bỏ vô chùa, tụi em tuy đau lòng, nhưng nghĩ lại cũng là cách để mẹ được nghỉ ngơi.

Thằng Lạc ngậm ngùi:

- Không biết mẹ có chịu về lại với gia đình không?

- Em tin mẹ sẽ về, vì mẹ rất thương con cháu, rất hay mủi lòng, xúc động. Chỉ cần bọn mình, nhất là Tía, cùng xúm vào năn nỉ.

Thằng Lạc nhìn thằng Ban cười:

- Con Thường bao nhiêu rồi.

- Nó mười sáu rồi còn gì.

- Bảnh dữ đa. Như vậy chú sắp lên chức bố vợ. Rồi sẽ thành ông ngoại, ông nội mấy hồi. Tao chắc còn lâu.



















Free Web Template Provided by A Free Web Template.com